Tiểu sử Tấn_Tài_(nghệ_sĩ)

Nghệ sĩ Tấn Tài sinh tại xã Vĩnh Trạch, huyên Núi Sập, tỉnh An Giang. Xuất thân là một giáo viên trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang, trong gia đình cũng không ai theo nghề ca hát nhưng vì mê đờn ca tài tử, ông đã từ bỏ nghề gõ đầu trẻ.[1] Năm 1959, ông đã trốn theo gánh hát mặc cho người mẹ ngăn cản.[2] Đoàn hát đầu tiên nghệ sĩ Tấn Tài theo là đoàn của ông bầu Ba Bản, một đoàn nhỏ ở An Giang. Vì có giọng hát đẹp, nghệ sĩ Tấn Tài nhanh chóng trở thành kép chánh và được các đoàn khác mời. Từ đoàn nhỏ, ông hát cho đoàn lớn rồi vào Sài Gòn và thành danh.

Đến năm 1963, ông đoạt Giải Thanh Tâm với vai Điệp Nhứt Lang trong vở Cát Dung Phương Tử. Vào thập niên 1960–1970, ông thực hiện hơn 400 đĩa vọng cổ, tuồng cải lương cùng hàng ngàn bài tân cổ, vì vậy mà báo giới đặt cho ông cái tên Hoàng đế đĩa nhựa. Một ngày ông thu 5–6 bài, mỗi bài giá 12.000 đồng – tương đương giá một lượng vàng thời đó.[3]

Ông có hai người con trai là hai danh hài Tấn BeoTấn Bo. Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 2011 tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh vì nhiễm trùng đường ống mật và được an táng tại chùa Nghệ Sĩ.[4][5]